Câu chuyện “Bán lược cho sư”

CÂU CHUYỆN BÁN LƯỢC CHO SƯ

Một công ty nọ muốn tuyển người bán hàng giỏi đã trao cho mỗi người 100 chiếc lược, yêu cầu họ đến các chùa để bán. Cái oái oăm là ở chùa sư đã xuống tóc, làm gì có nhu cầu sử dụng lược. Hàng trăm người đã ra đi vì bó tay. Tuy thế có ba người bán được hàng.

Người thứ nhất:
Người thứ nhất mang lược đến chùa chào hàng đã bị các vị sư mắng và cho rằng anh này giễu cợt họ không có tóc. Nhưng anh này vẫn cắn răng chịu đứng cầu xin họ mua lược. Cuối cùng, một vị sư thương tình mua giúp 1 chiếc lược.

Người thứ hai:
Người thứ hai, sau khi đi vòng quanh một ngôi chùa trên núi, tóc bị gió thổi tung xác xơ. Gặp sư trụ trì, anh ta chắp tay niệm “nam mô” và thưa rằng: “Trên núi cao gió thổi mạnh, các thiện nam tín nữ đến dâng hương mà tóc tai rối bù, e không thành kính trước cửa Phật. Xin nhà chùa chuẩn bị một vài chiếc lược để trước lúc dâng hương các phật tử chải tóc cho gọn gàng”. Nghe anh ta nói có lý, nhà chùa có 10 lưu hương nên mua 10 chiếc lược cho anh ta.

Người thứ ba:
Anh ta đến thẳng ngôi chùa lớn nhất vùng, xin gặp thượng toạ trụ trì mà thưa rằng: “Bạch thầy, chùa ta lớn nhất vùng, ngày nào cũng có hàng trăm tín đồ đến thắp hương. Chùa lớn như chùa ta, thiết tưởng cũng nên có chút tặng phẩm khuyến khích người làm việc thiện. Con có mang theo ít lược của công ty. Thầy có thư pháp hơn người, xin viết lên lược ba chữ “Lược tích thiện” làm tặng phẩm. Món quà này thật nhiều ý nghĩa”. Nhà chùa nghe ra, hứng thú và mua liền 100 chiếc lược làm quà.

  • Người thứ nhất thuộc mẫu bán hàng cổ điển, cần cù nhẫn nại và kiên trì, nhưng để bán được hàng tốn rất nhiều thời gian và không bán được nhiều.
  • Người thứ hai có năng lực quan sát, suy đoán sự việc, tuy nhiên chưa tạo ra nhu cầu đủ lớn.
  • Người thứ ba nghiên cứu phân tích kỹ nhu cầu và tâm lý của đám đông, nắm bắt Insight, có Idea tốt, lại có giải pháp cụ thể nên đã mở ra một thị trường tốt cho sản phẩm. Ðây xứng đáng là người bán hàng giỏi của doanh nghiệp.
BÀI HỌC RÚT RA TỪ CÂU CHUYỆN
  • Ngoài việc phát hiện ra nhu cầu tiêu dùng tiềm năng của thị trường, người bán hàng giỏi còn phải là người tạo ra nhu cầu, kích thích nhu cầu xuất hiện và phát triển để bán được càng nhiều hàng càng tốt.
  • “Nếu muốn thành công, bạn phải dấn thân vào những con đường mới, chứ không phải đi du lịch trên lối mòn của những thành công đã được thừa nhận”. Không có con đường cụ thể cho sự thành công bởi những người khác nhau sẽ đi trên những con đường khác nhau.